Pháp nâng mức cảnh báo cúm gia cầm
Bộ Nông nghiệp Pháp cho biết, quyết định thay đổi mức độ rủi ro được đưa ra do sự gia tăng số ca mắc cúm gia cầm có độc lực cao tại một số quốc gia lân cận, làm dấy lên lo ngại về khả năng các loài chim di cư sẽ mang theo virus khi đi qua Pháp.
Từ đầu mùa hè năm nay, chỉ tính riêng tại Pháp đã có 4 đợt bùng phát cúm gia cầm được ghi nhận tại các trang trại.
Vào đầu tháng này, Pháp cũng đã khởi động chiến dịch tiêm phòng lần hai cho các trang trại nuôi vịt với quy mô trên 250 con. Đợt tiêm phòng đầu tiên diễn ra vào năm ngoái và thu được các kết quả khả quan trong nỗ lực phòng chống lây lan cúm gia cầm.
Ngày càng có nhiều quốc gia châu Âu ghi nhận các ca nhiễm virus cúm gia cầm, và một trong các quốc gia phải tiêu hủy hàng triệu gia cầm do các đợt bùng phát dịch là Đức.
Tháng 7 vừa qua, Tổ chức Thú y thế giới (WOAH) cho biết Đức đã ghi nhận một ổ dịch cúm gia cầm hiếm gặp do chủng virus H7N5 độc lực cao gây ra ở miền Tây nước này, gần khu vực biên giới với Hà Lan. Đây là ổ dịch cúm gia cầm H7N5 đầu tiên trên thế giới được phát hiện kể từ khi WOAH bắt đầu theo dõi các dịch bệnh ở động vật trên thế giới từ năm 2005.
Các nhà khoa học xác định cúm gia cầm có khả năng lây nhiễm rất cao. Một con chim có thể lây nhiễm cho 100 con khác khi virus có thể trú ngụ và phát tán thông qua chất thải và nước bọt của chim. Chính quyền Anh cho biết, hơn 99% số ca nhiễm bệnh ở gia cầm ở Anh đều đến từ chim hoang dã.
Tiêu hủy hàng loạt từng là một chính sách hiệu quả để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh ở gia cầm. Tuy nhiên, do cúm gia cầm hiện nay quá phổ biến ở các quần thể chim hoang dã nên điều này tỏ ra kém hiệu quả hơn.
Sự lây lan của cúm gia cầm trong ngành chăn nuôi gia cầm được xác định bởi hoạt động của con người và cách thức buôn bán gia cầm. Ở các loài chim hoang dã, các đường bay di cư là những dấu hiệu chính cho thấy, bệnh sẽ lây lan ở đâu. Các tuyến đường di cư chính dọc theo những đường bay phía Đông Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, có nghĩa là nó có thể lây lan sang các khu vực mới chưa từng xuất hiện cúm gia cầm trước đây.